Giật mình… “chuyện của con trẻ”
Với cách nhìn trực diện, Thượng tá Nguyễn Minh Khang – Phó trưởng CAQ Hà Đông đã thông tin tại buổi Tọa đàm tình hình đáng lo ngại liên quan đến con trẻ. Bạo lực học đường. Tác động và tác hại từ mặt trái của Internet và mạng xã hội. Sự buông lỏng quản lý sau giờ học. Học sinh, sinh viên tụ tập điều khiển xe máy mang hung khí gây rối trật tự công cộng, đâm chém chỉ vì ghét nhau và cãi nhau qua mạng…
Hội nghị giao ban đánh giá tình hình công tác tháng 2, triển khai nhiệm vụ trọng tâm công tác tháng 3 của CATP Hà Nội mới đây, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Tùng – Phó Giám đốc CATP ghi nhận: CAQ Hà Đông là một trong những đơn vị đã chủ động phát hiện, ngăn chặn nhiều vụ học sinh, trẻ vị thành niên tụ tập mang hung khí định dàn trận đánh nhau. Thực tiễn cho thấy, đối với hiện tượng “tội phạm đường phố” này, việc phát hiện và ngăn chặn sớm có ý nghĩa rất quan trọng; vì nếu để xảy ra, hậu quả sẽ khôn lường…
Ngặn chặn kịp thời là vậy, nhưng từ đầu năm học 2022 – 2023 đến nay, Thượng tá Nguyễn Minh Khang viện dẫn con số phải suy nghĩ: địa bàn quận Hà Đông xảy ra 5 vụ việc liên quan đến học sinh vi phạm pháp luật, với nhiều hành vi, tội danh như gây rối, trộm cắp, ẩu đả. Vụ “nóng” nhất liên quan đến gần 20 học sinh gây rối trật tự công cộng thuộc 9 trường THCS, THPT, trường Cao đẳng trên địa bàn quận. Tất cả đều trong độ tuổi từ đủ 14 đến dưới 16.
Manh động không kém là vụ hẹn hỗn chiến giữa nhóm học sinh 1 trường THCS ở phường Biên Giang (Hà Đông) với nhóm học sinh THCS ở thị trấn Chúc Sơn (huyện Chương Mỹ). Đao, dao phóng lợn gắn tuýp sắt, vỏ chai thủy tinh…đã được chuẩn bị, cùng xe máy tháo biển số và khăn đỏ đeo tay làm ám hiệu để tránh đánh nhầm người quân mình. Rất may cuộc hẹn hôm 12-2 ấy bất thành, vì lực lượng Công an phát hiện, ngăn chặn kịp thời. 18/24 đối tượng liên quan đều là học sinh các trường học trên địa bàn quận Hà Đông.
“Quan điểm chỉ đạo của Ban Giám đốc CATP đối với các vụ việc liên quan đến ‘tội phạm đường phố” là hết sức rõ ràng, kiên quyết. Phải khởi tố vụ án, làm rõ, triệt để và khởi tố bị can, từ đó đưa ra xét xử điểm, tạo sự răn đe phòng ngừa chung”, Thượng tá Nguyễn Minh Khang nêu rõ.
Để không bao giờ còn nhắc đến 2 từ “Giá như”…
Hội trường lớn CAQ Hà Đông, buổi chiều thứ sáu 10-3, không còn một chỗ trống. Lãnh đạo – Thường trực Ban chỉ đạo Phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc quận (BCĐ 138); đại diện Phòng Giáo dục quận; các đội nghiệp vụ CAQ và Công an 17 phường; đại diện hơn 40 trường học với 78 giáo viên chủ nhiệm và cán bộ quản lý học sinh; 102 em học sinh, với 68 cán bộ lớp – đoàn cùng 34 em học sinh từng vi phạm kỷ luật bị xử lý; và các bậc phụ huynh…
Sau phát biểu khai mạc Tọa đàm của Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền - Trưởng CAQ; tất cả đã có được sự hình dung cụ thể hơn, cảm nhận rõ nét hơn, và sẽ phải suy nghĩ, lo lắng hơn, khi xem phóng sự: “Báo động thanh thiếu niên phạm tội trên địa bàn quận Hà Đông”. Nhiều trong 34 em học sinh từng vi phạm và bị xử lý có mặt ở hội trường CAQ hôm nay, cũng…có mặt trong phóng sự được trình chiếu!
“Đến giờ phút này, con chỉ ước không bao giờ sẽ còn phải nhắc đến 2 từ “giá như”. Giá như con không trốn học. Giá như con không tụ tập. Giá như con không theo các bạn phóng xe máy trên đường, mang theo hung khí. Dù chưa gây ra hậu quả, nhưng hành vi của con đã được các chú Công an chỉ rõ, là vi phạm pháp luật, là gây hệ lụy rất xấu, nguy hiểm đối với xã hội. Con đã phải chịu mức kỷ luật nghiêm khắc của nhà trường, và cả bố mẹ. May mắn, là con được các chú Công an cảnh tỉnh kịp thời. Nếu không…”, đó là chia sẻ trong nước mắt của N.T.P (học sinh Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp; tham gia vụ gây rối trật tự công cộng hôm 12-2 vừa qua).
Cùng tâm trạng như N.T.P là cháu N.Đ.A (lớp 10 trường THPT Lê Hồng Phong). Nam sinh vóc dáng nhỏ con ấy, đã có những chia sẻ khá chững chạc trước các thầy cô, bố mẹ, bạn học: “Con từng là học sinh hư, thường xuyên tụ tập với bạn bè xấu để chơi bời, không tập trung học nên kết quả học tập sa sút. Hôm nay, trước tiên con xin cảm ơn các chú Công an, các thầy cô và bố mẹ. Nếu không có sự quan tâm, phát hiện, cứu giúp kịp thời, con đã không thể có cơ hội đứng ở đây để kể câu chuyện của mình. Chơi với bạn xấu sẽ khiến việc học hành bê trễ, sẽ khiến kết quả học tập giảm sút và như thế càng nảy sinh tâm lý chán học, dẫn đến việc bỏ học. Mình muốn các bạn ở đây, chúng ta hãy tập trung vào việc làm những điều tích cực, và tránh xa những hành động không tốt. Mình tin không có gì là không thể thay đổi được, nếu chúng ta kiên trì, chúng ta thực sự muốn trở thành người tốt”.
Chạm vào tận cùng lý trí của các đại biểu, thầy cô, các em học sinh dự Tọa đàm, là tâm sự xúc động của ông N.V.T, bố của học sinh N.T.P, (học viên Trường Cao đẳng Kinh tế Công nghiệp): “Thưa các bác phụ huynh, thực sự là hôm nay khi đến đây, tôi rất buồn. Nếu không có sự động viên của nhà trường, của các đồng chí Công an, chắc tôi không đủ tự tin. Tôi muốn chia sẻ rằng, các bậc làm cha làm mẹ hãy cố gắng đừng để việc mưu sinh cuốn lấy chúng mình. Chúng ta phải làm bạn với các con, phải quan tâm thường xuyên đến các con. Trông cây sửa đất và nhìn con để tự sửa mình. Con cái có lỗi, có tội, trong đó, có cả phần lỗi, phần trách nhiệm lớn của phụ huynh”…
“Hé” những giải pháp căn cơ
Nguy cơ và thực trạng vi phạm pháp luật liên quan đến các em học sinh, trẻ vị thành niên, đã và đang không còn là câu chuyện ở quận Hà Đông. Song, “điểm cộng” rất có ý nghĩa, cần ghi nhận đối với Hà Đông, đó là CAQ – Cơ quan Thường trực BCĐ 138 quận – đã chủ động nghĩ, tham mưu để tổ chức buổi Tọa đàm “Phòng, chống vi phạm pháp luật của học sinh…”.
Tinh thần ở đây thấy rất rõ: đã đến lúc người lớn không thể cứ mãi thờ ơ trước hiện tượng đáng lo ngại của con trẻ. Đã đến lúc không thể cứ dừng ở những ý kiến, suy nghĩ đơn lẻ, thậm chí, chỉ nghĩ và lo mà không có được hành động cụ thể. Điều quan trọng khác, là trong câu chuyện đầy lo ngại của con trẻ ấy, phải chỉ ra được đâu là những “lổ hổng” từ phía người lớn, nhà trường, từ quy định pháp luật và từ các cơ quan quản lý?
Hơn 3 tiếng đồng hồ của buổi Tọa đàm; bên cạnh những chia sẻ, suy nghĩ, mong muốn của các em học sinh, các bậc phụ huynh, Ban Tổ chức đã dành nhiều thời gian cho những đối thoại – kiến nghị - giải đáp. Nguyên nhân gia đình là gì? Nguyên nhân xuất phát từ nhà trường ra sao? Và nguyên nhân xuất phát từ xã hội thế nào? Không hề có sự đổ lỗi. Ngược lại, thẳng thắn và chân thành là điều cảm nhận rõ trong mỗi ý kiến phát biểu.
Đơn cử như chia sẻ của một đại diện Ban Giám hiệu trường THPT: “Chúng ta biết và luôn nói đến tác động mặt trái của mạng xã hội. Nhưng khắc chế mặt trái ấy thế nào, thì nhà trường thực sự chưa làm được. Không thể phủ nhận, nhiều học sinh bây giờ thành thạo sử dụng, ứng dụng mạng xã hội hơn giáo viên. Trong bối cảnh ấy, sự quan tâm, quản lý của nhà trường và gia đình chưa đủ để trang bị cho các em những hiểu biết, uốn nắn trước những sai trái. Cứ thế lâu dần đã hình thành động cơ, hành vi phạm tội”…
Từng trăn trở, thực trạng kiến nghị tại Tọa đàm đều được Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận, Trưởng BCĐ 138 quận Hà Đông, bà Phạm Thị Hòa; và Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền – Trưởng CAQ yêu cầu các phòng, ban chức năng tập hợp. Vấn đề giải đáp được ngay thì đều được trao đổi tại Tọa đàm. Những kiến nghị để hình thành được “bức tường an toàn” cho con trẻ, sẽ được ấn định biện pháp, lộ trình; đơn cử như việc giao CAQ phối hợp với đơn vị ngiệp vụ Bộ Công an, CATP tập huấn hay tổ chức giao lưu, tọa đàm tại các trường học chuyên đề về an ninh mạng, về mặt trái của mạng xã hội, về sự trả giá cho những hành vi mang tính chất “tội phạm đường phố”…
Khẳng định công tác phòng ngừa, ngăn chặn, đấu tranh tình trạng thanh thiếu niên phạm tội luôn được CATP Hà Nội và CAQ quan tâm, Đại tá Nguyễn Ngọc Quyền cho biết, ngay từ đầu năm học 2022-2023, CAQ đã phối hợp với Phòng Giáo dục&Đào tạo, Ban giám hiệu các trường tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, gắn với mô hình chuyên đề “Hành trình mái trường an toàn", có sự tham gia của khoảng 150.000 lượt cán bộ, giáo viên, học sinh.
CAQ cũng đã phối hợp tổ chức hơn 100 buổi tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật với nhiều hình thức linh hoạt, sáng tạo, nội dung thiết thực, phù hợp với lứa tuổi như: Luật an toàn, an ninh mạng; Phòng chống bạo lực học đường; Phòng chống ma tuý, An toàn giao thông…
Thời gian tới, CAQ sẽ phối hợp xây dựng cơ sở dữ liệu quản lý thông tin học sinh; xây dựng tài liệu, tuyên truyền trên hệ thống thông tin điện tử các loại hình tội phạm mới, tội phạm công nghệ cao để các thành viên trong nhà trường, gia đình, học sinh khai thác, nắm bắt, phòng ngừa.
Và trước mắt, trong tháng 3 này, sẽ có một hoạt động lớn, 1 sân chơi trang bị kiến thức pháp luật được tổ chức, hướng đến các em học sinh.
Tác giả: bài tiến lên miên nam
Nguồn tin: www.anninhthudo.vn
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn
Danh mục 34 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia
Thời gian đăng: 02/05/2024
Thông tư số 18/2023/TT-BGDĐT Hướng dẫn xây dựng THAT-PCTNTT
Thời gian đăng: 16/05/2024
NĐ/48/2023/NĐ-CP v/v sửa đổi, bố sung một số điều của NĐ số 90/2020/NĐ-CP về đánh giá, xếp loại CB,CC,VC.
Thời gian đăng: 02/08/2023
Về việc tuyên truyền hưởng ứng cuộc thi "Sáng kiến an toàn giao thông Việt Nam năm 2023"
Thời gian đăng: 19/06/2023
KH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN GDPL GIAI ĐOẠN 2023-2027 CỦA NGÀNH GDĐT QUẬN HÀ ĐÔNG
Thời gian đăng: 09/06/2023