THƯ VIỆN TRƯỜNG bài tiến lên miên nam
Giới thiệu sách tháng 3
Chủ nhật - 06/03/2022 19:43
Chủ đề: “Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2022 và ngày thành lập Đoàn 26/3/2022” Cuốn sách: Nhật ký Đặng Thùy Trâm
* Thông tin thư mục: Nhật ký Đặng Thùy Trâm/ Đặng Kim Trâm, Vương Trí Nhàn.- H.: NXB Hội nhà văn, 2006. – 322 tr.; 20 cm. I. Mục đích: Giới thiệu sách tham khảo chủ đề “Kỷ niệm ngày Quốc tế phụ nữ 8/3/2022 và ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/2022” II. Hình thức tuyên truyền: Trên trang Wetsile của nhà trường. Gửi bài tới học sinh tuyên truyền trong giờ sinh hoạt lớp III. Thời gian thực hiện - Ngày: …./3/2022 - Thành phần: Giáo viên và học sinh toàn trường. - Người thực hiện: Cộng tác viên thư viện lớp
IV. Nội dung: Kính thưa các Thầy cô giáo cùng toàn thể các em học sinh thân mến! Cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước đã đi qua nhưng những dấu ấn mà nó để lại vẫn còn vang vọng mãi trong tâm hồn mỗi người dân Việt Nam. Hình ảnh những người anh hùng liệt sĩ sẵn sàng ngã xuống vì nền độc lập tự do vẫn còn đó, in sâu vào hồn thiêng dân tộc, sống mãi với non sông đất nước. Bởi vậy để ghi lại hình ảnh người nữ chiến sĩ trong chiến tranh nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ đã từng viết: “Em nằm dưới đất sâu Như khoảng trời đã nằm yên trong đất Đêm đêm tâm hồn em tỏa sáng Những vì sao ngời chói lung linh…” ( Trích trong bài “ Khoảng trời, hố bom”) Nhân kỉ niệm ngày quốc tế phụ nữ mùng 8 tháng 3, ngày thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh 26/3/2022. Thư viện trường bài tiến lên miên nam
xin giới thiệu tới thầy cô và các em hình ảnh một nữ chiến sĩ - Một bác sĩ – Một con người sẵn sàng hy sinh cả tuổi thanh xuân của mình cho nền độc lập, tự do của dân tộc, đó chính là nữ bác sĩ Đặng Thùy Trâm qua cuốn “Nhật kí Đặng Thùy Trâm”. Cuốn sách “Nhật kí Đặng Thùy Trâm” có chiều dài 20 cm, rộng 13 cm, dày 322 trang. Sách do nhà xuất bản Hội nhà văn ấn hành. Cuốn sách đã thu hút người đọc ngay từ những trang đầu tiên qua lời giới thiệu và câu chuyện về những tấm lòng và số phận kì lạ của cuốn nhật ký. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ đầy gian khổ ấy, cuốn nhật ký đã vô tình rơi vào tay một người lĩnh Mỹ để rồi sau gần một phần ba thế kỉ lưu lạc, đúng vào dịp kỉ niệm 30 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4/2005 nó đã trở về với gia đình liệt sĩ. Vậy tại sao người lính Mỹ này khi nhặt được cuốn nhật kí lại không đốt nó đi, mà lại phải mất bao nhiêu công sức để tìm và trao trả cho người thân của nó ? Tại sao cuốn nhật ký có sức mạnh diệu kỳ đến vậy?. Trong cuốn nhật ký đó có thực sự “có lửa” hay không? Vì sao cuốn nhật kí lại được xuất bản tại 20 nước với 16 thứ tiếng? Từ cuốn nhật ký, một bộ phim nhựa “Đừng đốt” đã hoàn thành, một bệnh viện đã được xây từ đóng góp của bạn đọc và nhiều con số cảm động khác. Tất cả những điều đó đã khiến chúng ta phải tò mò, muốn đọc và tìm hiểu cuốn nhật ký đầy tình yêu này.
Chủ nhân của cuốn nhật ký chính là liệt sĩ - Bác sĩ Đặng Thùy Trâm. Chị sinh ngày 26 tháng 11 năm 1942 trong một gia đình trí thức ở Hà Nội. Tốt nghiệp đại học năng 1966, Thùy Trâm xung phong vào công tác ở chiến trường Quảng Ngãi. Ở đó chị được phân công phụ trách một bệnh viện Huyện Đức Phổ, một bệnh viện dân y nhưng chủ yếu điều trị cho các thương bệnh binh. Trong vai trò là một nữ bác sĩ chị luôn yêu thương mọi người, chia sẻ với nỗi đau của người bệnh, chăm sóc thương binh hết lòng. Đến ngày 22/6/1970 trong một chuyến công tác từ vùng núi về đồng bằng, chị bị địch phục kích và hy sinh anh dũng khi chưa đầy 28 tuổi. Cuốn nhật ký gồm hai phần chính: Phần I : Những ngày rực lửa. Phần II :Những tư liệu ảnh. Tuy không phải là một nhà văn nổi tiếng, nhưng với cách viết nhật ký mộc mạc, chân thành Thùy Trâm đã khiến cho người đọc như được quay ngược thời gian, trở về với những năm tháng kháng chiến chống Mỹ ác liệt. Những trang nhật ký của chị giống như một cuốn phim quay chậm trước mắt chúng ta bao đau thương, mất mát, khó khăn gian khổ khiến người đọc không khỏi xúc động nghẹn ngào. Ở trang 27 chị viết “Hường ơi? Hường đã chết rồi sao? Mình nghe tin mà bàng hoàng như trong cơn ác mộng. Bao giờ cho hết xót xa này – nay một người ngã xuống, mai lại một người ngã xuống. Xương máu đã chất cao như ngọn núi căm thù sừng sững trước mắt chúng ta. Bao giờ! Bao giờ và bao giờ hỡi các đồng chí ? Bao giờ mới đuổi hết lũ quân uống máu người không tanh ấy ra khỏi đất nước chúng ta”. Chị trăn trở băn khoăn: “Không lẽ quyển sổ nhỏ này cứ ghi tiếp mãi những trang đầy máu hay sao. Nhưng Thùy ơi! Hãy ghi đi, ghi cho đầy đủ tất cả những máu xương, mồ hôi nước mắt của đồng bào ta đã đổ hai mươi năm nay. Và ở những ngày cuối cùng của cuộc chiến tranh sinh tử này, mỗi sự hy sinh càng đáng ghi đáng nhớ nhiều hơn nữa”…. Không những thế,những dòng nhật ký ngắn gọn mà tha thiết, chứa đựng toàn bộ ý chí bất khuất, kiên cường của một người con gái vốn được sinh ra nơi chốn đô thành vậy mà giờ đây lại phải sống trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn, thiếu thốn. Mở đầu trang nhật ký chị đã viết: “Đời người phải trải qua giông tố nhưng chớ cúi đầu trước giông tố”, phải chăng đó là phương châm sống để chị vượt qua những tháng ngày gian khổ? Có dễ dàng gì đâu khi công việc tại bệnh xá luôn căng thẳng đón từng đợt thương binh từ chiến trường cam go? Khó khăn biết mấy khi phải chỉ huy cả bệnh xá chống chọi lại với những trận càn khủng khiếp của kẻ thù. Và đau đớn thay khi phải chứng kiến biết bao cái chết. Các em thân mến! Trong cuốn “Nhật ký Đặng Thùy Trâm”, ngoài những trăn trở trong cuộc sống của một chiến sĩ cách mạng thể hiện lý tưởng và khát vọng sống cao đẹp, những ghi chép của chị còn trải rộng ra tình cảm bao la đó là “tình người”. Phải chăng trong lửa đạn ác liệt, khoảng cách giữa sự sống và cái chết mong manh làm cho con người ta gần nhau hơn, dễ hiểu nhau hơn và hi sinh vì nhau nhiều hơn. Trước những số phận như Bốn, Khiêm, Đường…và rất nhiều bệnh nhân không ghi tên khác, người bác sĩ trẻ ấy luôn tìm được sợi dây đồng cảm và sâu sắc . Cuốn nhật ký được khép lại vào ngày 20 tháng 6 năm 1970. Bởi hai ngày sau đó chị đã anh dũng hy sinh trong một trận càn của địch. Với gần 300 trang sách, Nhật Ký Đặng Thùy Trâm đã khiến người đọc cảm nhận sâu sắc và thấm thía nỗi đau của dân tộc Việt Nam trong chiến tranh. Chị khao khát đến cháy lòng ngày hòa bình thống nhất Bắc Nam để được về với mẹ, về với mảnh đất Hà Thành thân yêu “Mình không rời vị trí quan sát một phút nào nhưng đầu óc mình lại là cảnh những ngày đoàn tụ sum họp. Mình sẽ trở về chắt chiu, vun xới cho tổ ấm gia đình, từng giây phút hòa bình ấy bởi vì có sống ở đây mới hiểu hết giá trị của cuộc sống. Ôi, cuộc sống phải đánh đổi bằng xương máu của tuổi trẻ biết bao người” Những lời tâm sự cứ tự nhiên, nhẹ nhàng mà thấm vào tâm khảm của từng bạn đọc như lời thiết tha chân tình chạm đến mọi trái tim. Đi qua những trang sách ta như thấy mình đi qua trái tim của cả một lớp thanh niên thời đại- những con người giàu tình cảm ấy luôn cháy trong mình lòng yêu quê hương đất nước. Những con người phi thường ấy vẫn cao lớn mà sao trở nên thân thương, gần gũi và đáng mến quá đỗi. Từng câu từng chữ đều có sức tác động mạnh mẽ đến tiềm thức của lớp thanh niên thời bình phải làm sao cho xứng với cha ông ngày trước. Và hiểu thêm đất nước lớn lên từ những con người như thế. Để rồi mỗi chúng ta biết trân trọng, biết cảm ơn. Cô mong rằng các em học sinh trường chúng ta hãy luôn chăm ngoan, học giỏi dành những bông hoa điểm 10 để tặng lại cho sự hy sinh của các chiến sĩ, và cho ông bà, bố mẹ và các Thầy cô giáo nhân kỷ niệm ngày 8/3/2022 và ngày thành lập Đoàn 26/3/2022 các em nhé. Bài tuyên truyền sách đến đây xin tạm khép lại. Cô rất mong các em đón đọc và tìm mua cho mình những cuốn sách hay và bổ ích để làm hành trang cho bước đường tương lai của các em. Cuối cùng xin kính chúc các Thầy cô giáo và các em học sinh luôn mạnh khỏe, bình an và hạnh phúc. Trân trọng cảm ơn! Phú La, ngày 03 tháng 3 năm 2022